Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Âm nhạc truyền thống ngày Tết Đoan Ngọ của Hàn Quốc

Các bạn chưa có Kinh nghiệm học tiếng hàn thì có thể tìm các phương pháp học tiếng hàn hiệu quả hoặc tìm một trung tâm tiếng hàn để theo học nhé!

ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI


Âm nhạc truyền thống ngày Tết Đoan Ngọ của Hàn Quốc
1. Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ trong văn hóa tâm linh của người Hàn Quốc
Người Đông Á chúng ta thường quan niệm rằng sự kết hợp hài hòa giữa âm và dương kiến tạo và làm biến đổi vạn vật trên thế gian. Âm là bóng râm, dương là ánh nắng. Âm dương còn có nghĩa là nữ và nam, quần thần và quân vương. Vạn vật trên thế gian đều mang trong mình vận khí âm dương, khi đối lập nhau, khi hài hòa, khi biến đổi. Đối với các chữ số, số chẵn được coi là âm, số lẻ là dương. Những ngày trùng hai lần số dương đều là những ngày quan trọng đối với các dân tộc có nền văn hóa nông nghiệp. Ví như ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán, ngày mùng 3 tháng 3 là ngày chim én quay lại phương Nam tức là ngày Tết Hàn Thực, và ngày mùng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ. Người Hàn Quốc gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Surinal. Ở đây, “Suri” có nghĩa là “Thần”, là “cao”, tức là vị thần tối cao, ám chỉ mặt trời. Tết Đoan Ngọ báo cho mọi người biết ánh nắng chói chang của mùa hè sắp lan tỏa khắp nơi, cây cối hoa màu cũng sắp tới thời điểm sinh trưởng tốt tươi nhất trong năm.

Năm nay ngày 13/6 dương lịch là ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Ở Hàn Quốc, tới Tết Đoan Ngọ là việc cấy lúa đã hòm hòm. Vào ngày này, người ta tổ chức nhiều trò chơi dân gian và tập tục truyền thống nhằm cầu mong một năm mùa màng bội thu. Mỗi địa phương đều có những tập quán truyền thống đặc trưng của mình. Trong số này, chúng ta có thể kể đến phong tục Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung, tỉnh Gangwon. Năm 2005, Lễ hội Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung đã được UNESCO đưa vào danh sách “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” tức là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức nấu rượu dâng thần trước Tết Đoan Ngọ một tháng. Người Hàn Quốc gọi rượu dâng thần là “Sinju” tức “Thần Tửu”. Tiếp theo, người ta làm giỗ Sơn Thần và thần Thành Hoàng theo nghi thức Nho giáo. Đây là hai vị thần trấn ải đèo Daegwanryeong được coi là cửa ngõ của vùng Gangneung.
2. Âm nhạc truyền thống các địa phương trong ngày Tết Đoan Ngọ
Vào ngày Tết Đoan Ngọ người dân Gangneung tổ chức cúng tế lên đồng để cầu mong bình an và no ấm, còn các nô bộc thường ngày lao động cật lực thì nay đeo mặt nạ nhảy múa ca hát tưng bừng. Màn nhảy múa ca hát này được đặt tên là “Gwanno Gamyeongeuk” tức là “kịch mặt nạ của những người nô bộc”. Ngoài vùng Gangneung ra còn có múa mặt nạ vùng Eunyul và Bongsan, tỉnh Hwanghae (Bắc Triều Tiên), Gangneung, Sandae vùng Gyeonggi... Đa phần đây là những màn diễn tấu mang nội dung chế nhạo, trào phúng giới thượng lưu trong xã hội phong kiến. Ngày thường, phận kẻ ăn người ở đâu dám lớn tiếng như vậy, chỉ trong ngày này thì ngay cả các gia đình khét tiếng trong vùng cũng bỏ qua cho đám người lam lũ này. Có thể nói rằng trong ngày Tết Đoan Ngọ, giới thượng lưu, thường dân, nô bộc đều bình đẳng và đều là con cháu của đất trời.

Trong nhạc phẩm “Dondolnari” của vùng Bukcheong, tỉnh Hamgyeong, Bắc Triều Tiên, chị em phụ nữ trong vùng vừa vỗ tay, vừa nhảy múa ca hát và nô đùa. Ở đây cụm từ Dondolnari có nghĩa là “quay vòng”, tức là “sự luân hồi”. Trong thời thực dân Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, lời ca của bài “Dondolnari” như muốn nhắn nhủ với dân chúng Hàn Quốc rằng theo qui luật luân hồi của vạn vật trong tự nhiên thì tới một ngày nào đó, nền độc lập và tự do của đất nước Hàn Quốc sẽ quay trở về đúng vị trí vốn có của nó, tức là sẽ về tay người dân Hàn Quốc.

Phong tục tập quán truyền thống tiêu biểu nhất của Hàn Quốc trong ngày Tết Đoan Ngọ là đấu vật truyền thống Ssireum và nâng đá Deuldoldeulgi. Trước kia, người giành chiến thắng trên sân đấu vật thường được thưởng một con bê. Xưa kia, vào ngày Tết Đoan Ngọ chị em phụ nữ Hàn Quốc kéo nhau ra suối gội đầu bằng nước lá cỏ Thạch Dương Bồ, rồi chơi đánh đu. Đến cả các cô gái đài các giới thượng lưu ngày thường chỉ quanh quẩn trong dinh thự, nhưng tới ngày Tết Đoan Ngọ cũng được cha mẹ cho phép ra ngoài ngắm cảnh. Trường ca hát kể chuyện Pansori “Xuân Hương ca” cũng có đoạn tả cảnh chàng Lý Mộng Long phải lòng Xuân Hương khi thấy nàng chơi đánh đu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Không chỉ đối với cỏ cây và vạn vật trên thế gian, Tết Đoan Ngọ còn là ngày khởi nguồn những mối tình đầu trong sáng nồng cháy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét